VONG NỮ - Chương 9
“Thôi mẹ đừng có nói vậy kẻo…” Cậu hai ngập ngừng bảo. Bà lại trừng mắt nhìn cậu: “Mày sợ gì cái dòng giống ấy. Thằng Thành đâu! Mày kêu người tới quật mả nhà nó lên cho tao!”
“Dạ thôi cái chuyện thất đức ấy thì tui hông làm đâu bà.” Thằng Thành xua tay. Bà vừa định mở miệng mắng thêm mấy câu nữa thì sấm chớp đùng đoàng bên ngoài, rồi trời đổ mưa lớn. Mùa này mưa thì cũng chẳng có gì lạ, mà không biết sao… cậu hai lại cảm thấy bất an.
Tới đầu hôm, tự nhiên trời lại nóng nực kinh khủng. Bà vào nhà tắm trong khi mợ cả đã bảo: “Khuya rồi đừng tắm mẹ ơi. Mẹ già cả rồi, nhỡ có gì thì khổ.”
Nhưng bà không nghe, vẫn cứ vào nhà tắm. Khi bà vừa cởi đồ ra thì cảm thấy trên lưng như có nước nhỏ lên từng giọt một. Một mùi tanh tưởi không rõ từ đâu bốc lên nồng nặc. Bà lẩm bẩm: “Nhà bị dột à?”
Rồi bà quay đầu lại nhìn. Trong đôi mắt sợ hãi của bà, cô Trinh đang vắt vẻo trên cây xà ngang và thõng người xuống. Mái tóc dài ướt nhẹp của cô quét lên mặt bà. Vài miếng thịt thối rửa rơi xuống ngay trên mặt, bà ú ớ kêu lên thành tiếng rồi bỏ chạy. Nhưng không kịp nữa. Cô Trinh đã chụp lấy cổ bà và bằng một sức lực kinh người đã đẩy bà ngã xuống.
——————–
Cụ Thành dừng lại để đi châm ấm trà. Đám trẻ tụi tôi tuy rất tò mò nhưng lại chẳng dám hó hé gì, chỉ sợ cụ nổi giận rồi không kể tiếp. Lúc này, đã có đứa sợ hãi thì thầm với đứa bên cạnh: “Nghe sợ quá mày ạ. Vậy mà tao tưởng cổ hiền lắm.”
“Tao thấy cũng có ác lắm đâu, tại cái đám người kia có đàng hoàng gì.” Có đứa trả lời.
“Nhưng mà tao sợ quá. Nó cứ rờn rợn thế nào ấy. Tao tưởng tượng như cổ đang nghe cùng mình á.”
Tôi chỉ biết im lặng, phần vì sợ và phần vì tôi chẳng biết nên nói gì trong trường hợp này. Liệu tôi nói rằng đám người kia bị như thế là đáng lắm, vậy thì tôi có ác quá không?
Thấy cụ Thành đi hơi lâu, lại không nghe tiếng gì nên có đứa giục tôi hay là ra nhà sau xem cụ thế nào. Tôi đứng dậy, e dè đi ra sau nhà cụ. Nhà cụ không rộng lắm, nhưng chúng tôi chưa từng ra nhà sau bao giờ, chỉ toàn ở trên nhà trước. Có một hành lang nhỏ hẹp dẫn ra sau bếp, lúc đi ngang đoạn hành lang đó, vô ý nhìn vào một góc tôi đã thấy một cái bàn thờ. Trên bàn thờ là ảnh của một cô gái mặc áo bà ba, độ chừng hơn hai mươi tuổi. Trên bàn thờ đốt cái đèn cà na màu đỏ làm góc đó trông cứ u ám, đáng sợ kiểu gì. Nhớ tới câu chuyện cụ kể ban nãy, tôi không khỏi rùng mình. Chắc… cô Trinh cũng trạc tuổi người trên đó.
“Cái Phương à?” Cụ ở trong bếp nhìn thấy tôi. Tôi giật mình, vội đi xuống bếp. Ra là cụ đang loáy hoáy tìm cái gì ở trong tủ. Kế bên cụ, một người đàn ông độ chừng ba mươi đang châm nước. Đó là chú Tâm – cháu trai cụ. Cụ bảo đó là con của em gái cụ, nhưng người làng không tin tại cụ trước giờ đâu có gia đình, sống có mình ênh từ hồi mới tới.
“Dạ, thấy cụ đi lâu quá nên con sợ có chuyện.” Tôi trả lời rồi gật đầu chào chú Tâm một cái. Chú cũng cười rồi gật đầu lại. Cụ Thành thì cười cười: “Ông kiếm ít bánh để trong tủ cho mấy đứa, đâu mắt con sáng con qua kiếm giùm ông cái. Ở trong cái tủ này thôi.”
Tôi nghe lời lại gần lấy túi bánh trong tủ ra. Loại bánh bán theo gam ngoài chợ ấy, đủ loại cả. Chờ khi cụ lại ngồi xuống, có đứa không chờ nữa lại hỏi: “Thế bà bị sao thế cụ?”
“Bà không qua khỏi.” Cụ nhấp ly trà, lấy bánh chia cho mấy đứa ngồi gần rồi nói: “Tuy rằng nghe tiếng bà kêu là có người chạy vô liền, nhưng mà không kịp. Bà ngã ra sau, đập đầu xuống sàn chết ngay tại chỗ. Lạ ở chỗ, cổ bà có vết siết cổ, trong móng tay lại có vải dệt màu tím.”
“Cũng đáng tội ạ!” Có thằng con trai kêu lên. “Người ta chết rồi mà còn đòi quật mồ mả người ta lên, vậy là xúc phạm vong linh người đã khuất, người ta về báo đấy ạ!”
“Ừ… ừ…” Cụ gật đầu, lại thấy chúng tôi chả đứa nào ăn bánh nên cụ giục: “Ăn bánh đi mấy đứa. Ăn đi ăn đi đừng có ngại.”
“Dạ…” Nhưng làm gì có đứa nào có tâm trạng ăn? Chúng tôi đều đang chờ phần tiếp theo của câu chuyện. Bên ngoài trời cũng tối hẳn rồi, có khi trễ quá là không kịp nghe hết chuyện. Thế thì bứt rứt lắm!
Chắc cụ cũng đoán ra tâm tình của đám trẻ chúng tôi nên cụ kể tiếp: “Cái chết của cô Ngọc Như rồi tới bà như là mở đầu cho trận sóng gió trong nhà. Từ đêm ấy, đêm nào trong nhà cũng có tiếng khóc trẻ con làm mọi người bấn loạn. Mợ cả là người chịu ảnh hưởng nhất vì mình có con nhỏ. Đêm nào mợ ta cũng ôm đứa nhỏ khư khư trong lòng, ngủ không dám ngủ. Được độ một tuần thì tâm trí không chịu nổi, điên điên dại dại rồi phải vào trại tâm thần luôn. Cậu cả thì tức mình nên có rủa bậy mấy tiếng… ai dè… bị nó hù, không biết nghĩ gì mà sau đó đi tu luôn, để lại đứa con không ai nuôi dạy đó.”