VONG NỮ - Chương 12
Người dân xóm Dừa hay bảo nhau, mười mấy năm trước vì cụ Thành vô ý nhắc lại chuyện xưa nên đã làm cho vong linh cô Trinh trong miếu nổi giận. Cộng với thời gian đã làm cho phong ấn ngày xưa của ông thầy pháp yếu đi, cô Trinh oán giận thoát khỏi miếu và giết hại những kẻ đang lảng vảng gần ấy.
Lần đó, cái Phương, con ông Vũ, đứa trẻ ngoan hiền học giỏi nhất xóm bị cô dọa mất vía. Ba mẹ đưa nó lên trạm xá, rồi lên huyện, lên tỉnh cũng chẳng khả quan hơn. Nó cứ nằm mê man ra đấy. Mãi đến khi bà ngoại nó, người đã ăn chay niệm phất mấy mươi năm đem một cái vòng xỏ từ hạt bồ đề tới thăm nó, đeo cái vòng vào tay nó thì nó mới dậy.
Tuy đã tỉnh nhưng nó cứ như người mất hồn, suốt ngày cứ lẩm bẩm mấy câu từ vô nghĩa. Nào là “Tha cho con đi… Con chưa thấy gì hết…”, rồi liên tục nhìn vào một góc và khóc lóc “Con không biết mà… cô đi đi…”
Nó ở trong viện cả tháng, cụ Thành có đến thăm nó. Cụ xin lỗi ba mẹ nó, dù chẳng ai trách cụ câu nào. Cụ gửi nó mấy túi bánh, còn nói chuyện riêng với nó một lúc. Chẳng hiểu sao, sau ấy nó bình thường trở lại, chỉ là sức khỏe yếu đi nhiều.
Nhưng sau vụ ấy, ba mẹ nó nghe lời cụ với bà ngoại nó, sợ nó ở trong làng không tốt, bèn chuyển đi mất. Cụ Thành cũng từ giã bà con, lén gửi cho nhà cái Phương ít tiền bạc rồi cùng thằng cháu bỏ đi biệt xứ. Cái miếu Trinh nữ cũng được sửa sang lại, nhưng chẳng còn thiêng nữa.
“Kể cũng mười mấy năm rồi, chẳng gặp lại ai cả.” Bà Tư bán nước dưới gốc đa gần miếu phe phẩy cái nón lá, thở dài. “Cũng nhớ ấy chứ. Cái Phương con bé ấy, ngoan hiền lắm! Mỗi tội số không may. Nghe nói cũng may nhờ phước đức ông bà nên đợt đó mới tai qua nạn khỏi.”
“Dạ, nhờ phước ông bà cả.” Cô gái tuổi trạc ba mươi đáp lời, trả tiền rồi đi đến bên cái miếu. Cái miếu đã sờn cũ, bám đầy rêu, nhưng vì nó chẳng còn thiêng nên người cúng bái cũng thưa dần. Người ta bảo nó không còn lạnh nữa, chắc cô Trinh đã đi rồi.
Cô gái đưa tay phủi lớp rêu trên ấy đi, sau lưng lại có tiếng sột soạt. Một người đàn ông ngoài năm mươi bước tới. Người đó có vẻ chẳng phải người của nơi này.
Người đàn ông nhìn cô thật lâu, lại nhìn đến cái vòng nơi cổ tay cô, cuối cùng cũng cất tiếng: “Cháu là… cái Phương, đúng không?”
“Chú Tâm à?” Phương cụp mắt, bình thản đối diện. Không giống với cái ngày của mười mấy năm trước, cô gái mới lớn bàng hoàng nhận ra người đàn ông này, bên ngoài mang thân xác của con trai cậu hai, bên trong lại là linh hồn của đứa trẻ oan nghiệt. Cô hiện tại đã là một người trưởng thành, bình tĩnh đối diện mọi thứ hơn.
“Năm đó… thật sự xin lỗi cháu nhiều lắm.”
“Không sao đâu ạ, cảm ơn vì mọi người đã tha cho cháu. Lúc đó nếu cô muốn và cụ không cản, cháu đã chẳng sống được đến giờ. Nếu cụ không đến bệnh viện thăm và trấn an, có lẽ cháu cũng chẳng được bình thường.”
“Cháu là một cô gái lương thiện, chẳng ai nỡ làm hại cháu đâu.”
“Cụ Thành thế nào rồi ạ?”
“Bác đã hoàn thành được tâm nguyện cuối đời. Sau khi đưa chú với mẹ đi không lâu, bác đã qua đời rồi.” Chú Tâm chạm tay vào ngôi miếu, nhìn xa xăm. “Việc cứu chú và mẹ đã khiến bác đã đánh đổi quá nhiều năm tuổi thọ.”
“Thật ra, năm đó cụ Thành theo thầy học nghề bùa chú, đã học hết rồi, đúng không ạ?”
“Ừ… bác theo thầy từ khi còn nhỏ xíu, bà ngoại không cho bác vẫn bỏ đi theo. Đến khi về thì không dám gặp mẹ gặp em, chỉ dám lén lút giắt cho họ chút tiền. Vậy mà còn chưa kịp nhận mặt ai đã…”
“Vậy là, cái đầm trắng, người dẫn cô Trinh vào nhà, người bắt cóc đứa nhỏ,… đều là cụ làm ạ?”
“Ừ. Bác làm tất thảy, vì tính toán cho mẹ con chú.”
“Thế… mẹ chú hiện tại… thế nào rồi ạ?”
Thật ra năm đó, hơn ai hết, Phương biết rõ việc cô Trinh thoát ra không chỉ do cụ Thành giúp, mà còn vì đám du côn kia giật lá bùa trong miếu đi. Chúng xúc phạm phỉ báng cô, vì kẻ cầm đầu chính là Trần Minh Huy – đứa con trai bị cậu mợ cả bỏ lại cho ông nuôi nấng.
Hắn biết câu chuyện của gia đình nên thường xuyên tìm tới quậy phá, lần đó, cái đầu lăn lông lốc chính là hắn.
Sau khi hắn mất, chẳng bao lâu sau ông nội hắn cũng qua đời. Lúc ấy người ta mới được tin cậu mợ hai về. Hai người được tin cha mất nên về dọn dẹp cho tròn cái lễ, cho ông mồ yên mả đẹp. Đáng tiếc những cái mả của các thành viên trong gia đình, dù có làm đẹp tới đâu cũng nhanh chóng bị hư hỏng, sụp lún. Tới giờ, cũng chỉ có nấm mồ đất là không bị thiệt hại gì.
Mợ hai nhìn một cái là nhận ra ngay chú Tâm chính là đứa con mình dứt ruột sinh ra. Nhưng mợ không dám nhận cậu, trực giác nói với mợ dây không còn là con của mình.
“Mẹ chú, trả thù xong, bác mất thì bà ấy muốn đi tìm cha chú.”
“Thế…” Câu hỏi có tìm được không, thật khó để thốt ra khỏi miệng. Chú Tâm như hiểu lòng cô, gật đầu rồi lại lắc đầu: “Được, mà cũng không được. Trên đường hành quân về, ông giẫm phải bom mìn còn sót lại… đã nằm lại dọc đường rồi…”
Gió thổi qua, tán lá kêu xào xạc. Chú Tâm nhìn về xa xa, nơi ngôi nhà đã lâu không ai ghé thăm: “Mẹ chú được tin, cũng xin chú đưa bà ấy vào chùa. Tới giờ chắc cũng đã siêu thoát rồi.”
Chú Tâm nhìn cô đang im lặng, bỗng bật cười: “Có phải cháu cảm thấy, mẹ chú rất đáng sợ không?”
“Thật ra ban đầu cháu cũng hơi sợ, nhưng nghĩ lại, mẹ chú thật sự rất đáng thương. Cô ấy chỉ là một cô gái dịu dàng tốt bụng bị ép đến bước đường cùng…” Phương nhìn ra xa, nơi những ánh đén điện sáng choang đã thay thế ngọn đèn vàng vọt. Con đường đất đá trong xóm được thay bằng con đường nhựa sạch sẽ, trồng đầy hoa hai bên bờ. Những ngôi nhà tranh vách lá, những căn nhà lụp xup tiêu điều dần được thay thế bởi những căn nhà tường khang trang sạch sẽ. Khi cuộc sống của người dân dần tốt hơn, khi thời khắc trở mình rũ bùn đứng lên của đất nước đã tới…
“Chỉ mong, trên đời này, không còn ai gặp phải hoàn cảnh như mẹ chú nữa.”