VONG NỮ - Chương 11
Đêm.
Trời tối mịt mù, ánh trăng không thể xuyên qua màn đêm mịt mờ để chiếu rọi xuống khoảng sân gạch. Dưới ánh đèn cầy mờ mờ, thầy pháp tập trung làm phép. Mợ hai lúc chiều có tỉnh, rồi hay tin vẫn chưa tìm được con thì lại khóc ngất. Cậu hai đỡ hơn, được đỡ ngồi trên ghế gần đó.
Thầy làm phép gọi hồn hai, ba lần mà vẫn không thành. Nhà cô Trinh chẳng còn lại gì của cô cả, hết cách nên thầy đành dùng tới cái váy trắng lần trước. Gọi đến lần thứ tư, một cơn gió lạnh thổi xốc tới làm đèn cầy tắt hơn phân nửa. Trái cây cúng để trên bàn bị thổi bay hết xuống đất, nhang tắt hẳn rồi cái lư hương cũng rơi xuống đất.
Một ma nữ từ trong nhà đi ra. Mái tóc đen dài xõa rũ rượi cũng không thể che hết gương mặt trắng nhách đã thối rửa. Bộ bà ba tím ướt nhẹp dính sát vào người, đi tới đâu nước pha lẫn với bùn và máu kéo lê đến đó. Một bên hốc mắt trống rỗng. Cô Trinh không chút sợ hãi nào đi tới trước mặt thầy.
Ngược lại, thầy pháp có vẻ khá sợ hãi. Thầy nắm chắc kiếm gỗ với bùa chú trong tay, bảo: “Cô… cô có oan khuất gì? Sao còn không đi siêu thoát mà ở đây hại người?”
“Là họ… hại tôi… con tôi…” Giọng cô Trinh rất lạnh, không còn là cô gái hiền lành của xóm Dừa nữa. Ai nghe cũng nổi hết da gà. Cô vén tay áo lên, không biết sao mà trên nước da trắng nõn lại hiện lên vết hằn như một bàn tay siết chặt. Đoán chừng đó là lúc cậu ba…
“Cô…” Là một người có lương tâm, thầy pháp không lên tiếng bênh vực nhà này được. “Chuyện đó ắt có luật trời trừng trị. Cô hãy mau mau đi siêu thoát đi.”
Thầy vừa nói dứt câu, gió lớn lại nổi lên. Cô Trinh trừng mắt nhìn thầy, oán giận kêu: “Không ai làm được ngoài tôi!”
Gió thổi mạnh đến mức vài cây xung quanh đó bắt đầu đổ ngã. Cậu hai lên cơn khó thở ngã gục xuống, mọi người xung quanh đều vô cùng hoảng loạn. Toàn bộ nến đều tắt lụi, bóng ma chỉ còn lại mờ mờ rồi mất hút. Thầy pháp vội đốt lại đèn dầu rồi chạy vào trong: “Mau vào phòng cậu ba.”
Lúc này, cậu ba nghe gió lớn thì sợ hãi, linh cảm mách bảo hắn sắp xong rồi. Hắn trùm kín chăn run lẩy bẩy, chỉ mong đêm này mau qua. Nhưng gió càng lúc càng lớn, âm thanh la hét càng nhiều. Một bàn tay lạnh buốt chạm lấy gáy hắn. Hắn hoảng hồn quay lại thì thấy… gương mặt thối rửa của cô Trinh áp sát mặt mình.
Hắn hoảng hồn lùi lại phía sau. Cô Trinh lại xuất hiện ở ngay sau với nụ cười mang rợ. Hình ảnh bóng ma cô Trinh xuất hiện xung quanh hắn với đủ thứ hình hài quỷ dị, sau cùng một bóng ma lao tới, đưa tay vào miệng và xé toạc khoang miệng hắn ra.
————-
“Eo ơi, ghê quá!” Có đứa nhịn không được mà lên tiếng.
Cả đám lúc này đã sợ hãi bấu víu lấy nhau. Có đứa con gái bấu sát lấy tôi. Tôi nuốt nước miếng, hỏi: “Thế… sao nữa ạ? Cậu ba chết rồi thì hồn cô Trinh có tan không ạ?”
“Không. Oán khí của cổ nặng quá nên dù cậu ba chết rồi thì cổ vẫn muốn giết hết nhà họ. Cũng đúng, dẫu sao từ đầu họ đã bao che cho gã ta. Nhưng oán khí của cô đã giảm đi nhiều, đã có thể xử lí được.” Cụ Thành đáp.
“Vậy thế nào ạ?”
“Cô giết nhiều người quá nên không luân hồi được. Thầy pháp bèn tìm cách, nói là cho cô trú trong cái miếu thờ kia, phù hộ cả làng, được thờ cúng cho oán khí vơi bớt, tích thiện đức lại rồi đi đầu thai. Nói là vậy… chứ thật ra là phong ấn, nhốt cô trong cái miếu kia cũng không sai.” Mặt cụ Thành trầm lại hẳn.
Lúc này, nhận ra có gì đó sai sai, có đứa hỏi: “Ơ khoan cụ ạ. Thế em bé mới sinh thì sao, có tìm được không ạ?”
Cụ lắc đầu: “Tuy đã nhốt được cô Trinh nhưng vẫn không tìm ra đứa nhỏ. Lúc này thầy pháp mới nhớ tới cái thai của cô Trinh sao mà biến mất. Thầy nghĩ có người dùng phép để đưa linh hồn đứa nhỏ vào cơ thể mới sinh kia. Thầy đổi đàn pháp để tìm, nhưng chưa kịp thì lại đột tử.”
Cụ thở dài. Đây có lẽ là kết thúc của câu chuyện: “Nhà ông Trần sau đó chuyển đi qua thị trấn bên cạnh. Ông Trần một mình nuôi cháu, nhưng do nhà giàu, lại thêm cái cách dạy con của nhà ấy nên nó chẳng ra thể thống gì. Còn vợ chồng cậu hai thì đau lòng quá độ, bỏ đi cũng mấy mươi năm rồi không nghe tung tích gì. Miếu Trinh nữ được lập với thờ từ dạo ấy.”
“Còn cụ ở lại đây ạ?”
“Cũng không phải. Mới đầu ông cũng qua chỗ khác, rồi tìm được thằng Tâm. Sau ông với nó mới về đây. Nhờ bà con thương tình giúp đỡ nên cuộc sống cũng đỡ cơ cực.”
Câu chuyện hôm nay rất dài, cụ kể xong thì trời cũng tối lắm rồi. Có người tới tận nơi đón con. Cụ xua tay cười xuề xòa: “Thôi về đi mấy đứa, khuya rồi. Có đứa nào không dám về không?”
Đám con nít ranh tụi tôi, tuy có sợ nhưng vẫn cứng miệng: “Không ạ. Thưa cụ tụi con về.”
Rời khỏi nhà cụ Thành, trên con đường về nhà lòng tôi cứ nôn nao không yên. Cảm giác rờn rợn như có người đi theo cứ quấn lấy tôi. Mọi hôm tôi đều rất thỏa mãn với câu chuyện cụ Thành kể. Nhưng hôm nay ngoài cảm giác sợ hãi, tôi còn cảm thấy có gì đó rất bất an.
Tôi dừng lại ở ngôi nhà cuối cùng đang bật đèn trong con ngõ nhỏ trước khi bước vào con đường tối đen có gốc đa và ngôi miếu. Đoạn đường đen kịt như một hố đen không đáy, không chút ánh sáng nào cả, tưởng như sẽ nuốt chửng tôi trong phút chốc. Tôi hít sâu một hơi, bật đèn pin sáng hết mức, định bụng chạy cho nhanh qua đoạn ấy.
Nhưng vừa chạy được một đoạn, vừa thấy ánh đèn yếu ớt ở xa xa thì tôi vấp ngã. Cú ngã đau điếng làm đèn pin rơi khỏi tay tôi, quay mấy vòng dưới đất. Ánh đèn hướng về dưới chân tôi, nơi… có một người đang nằm sõng soài ra đó.
“Này…” Tôi nhặt đèn pin rồi lay lay thử. Tôi nhận ra bộ đồ kì cục này, là một trong số những tên lúc chiều đi cùng với tên Huy ở miếu. Nhưng khi tôi lật người anh ta lên…
“Á!”
Từ miệng anh ta có một dòng máu chảy ra, mặt tím ngắt còn mắt trợn trừng, bụng không còn nhấp nhô và không còn thở nữa. Tôi hoảng loạn đứng dậy, rọi đèn pin xung quanh để cầu cứu thì nhận ra, xung quanh tôi còn vài người trong tình trạng tương tự. Có một cái xác nam còn bị dìm nửa người bên bến sông.
Chân tôi mềm nhũn cả ra, muốn chạy mà không nhấc nổi chân. Tôi muốn la lên nhưng lại không phát ra nổi âm thanh nào. Tôi rọi đèn xung quanh, nhìn thấy ngôi miếu với đồ cúng và lư hương đều bị đạp đổ. Có một lá bùa bị xé rách toang bay về phía này.
Ánh đèn pin chớp tắt, chắc do lúc nãy rớt nên nó bị hư. Tôi hoảng hồn nhận ra mình phải chạy khỏi đây, nếu không tôi không biết sẽ có gì xảy ra nữa. Lúc đứng dậy loạng choạng chạy đi, tôi còn nhìn thấy một cái đầu lâu lăn lông lốc…
Cái đèn pin chớp tắt dữ dội hơn, có một ai đó đứng chắn trước mặt tôi. Cái áo bà ba tím ướt sũng, mái tóc xõa dài. Tôi run run ngước lên nhìn, đập vào mắt tôi là gương mặt trắng bệch thối rửa, rỗng hết một bên mắt. Không hiểu sao… tôi nhận ra đó là cô gái trong hình thờ ở nhà cụ Thành… cũng là… ma nữ trong câu chuyện vừa được nghe…
“A… a… ma…” Tôi ú ớ kêu lên. Cái đèn pin vuột tắt.
Tôi tưởng mình sắp xong rồi thì ở xa xa có tiếng bước chân chạy tới cùng ánh đèn pin loáng thoáng. Tôi nhoài người nhìn lại, hi vọng mở ra khi thấy chú Tâm chạy tới, cụ Thành theo sau.
“Cụ… chú…” Tôi sợ líu lưỡi nói không nên lời. Ánh đèn pin của chú Tâm lia qua mấy cái xác, tới cái miếu bị đạp đổ rồi tới bên gốc đa. Dưới gốc đa có một cái lỗ bị đào bới, một cái đầu lâu nằm cạnh đó với một cái bọc đen đầy đất.
Tự nhiên tôi lại có linh cảm không lành…
“Phương à?” Cụ Thành nhìn tôi. Dương như cậu rất điềm tĩnh dù nhìn mấy cái xác ở kia. Cụ vỗ vai, chú Tâm tắt đèn pin. Trong cái đen tối mịt mù ấy, tôi nghe cụ bảo: “Tâm, gọi mẹ đi con…”