VONG NỮ - Chương 1
“Phương, lại sang nhà cụ Thành đó à?” Giọng mẹ tôi vọng từ dưới bếp lên. Tôi vừa mới xỏ chiếc dép vào, đáp lại: “Dạ, nay cụ hứa kể chuyện đó mẹ.”
“Mày đem mấy cái bánh qua cho cụ ăn lấy thảo đi con.” Mẹ đem một cái bịch có mấy cái bánh ích còn nóng hôi hổi ra đưa cho tôi, dặn dò: “Nhớ coi tranh thủ về sớm đó. Con gái con lứa lớn rồi, cầm theo cái đèn pin nè.”
“Dạ. Con đi nha mẹ.” Tôi vâng vâng dạ dạ cho có lệ rồi ra khỏi nhà. Nhà cụ Thành ở cuối xóm, cách nhà tôi có tầm trăm mét. Đoạn đường không xa, duy chỉ có cái đoạn đi ngang ngôi miếu dưới gốc đa thì hơi tối, lại còn vắng nhà dân nên đâm ra tôi hơi sợ.
Gọi là cụ, chứ thật ra cụ Thành cũng chưa quá già. Cụ chắc cũng mới tầm sáu, bảy mươi tuổi thôi. Nhưng không hiểu vì sao mà trông cụ cứ như mấy ông lão chín mươi gần đất xa trời. Tóc với râu cụ bạc trắng cả, thân hình gầy gò trông xơ xác tiêu điều lắm. Cụ không có vợ con gì, nhưng có thằng cháu trai tên Tâm.
Nhà cụ không khá giả gì, nhưng đám con nít chúng tôi và có khi là người lớn nữa, thích tụ lại ở nhà cụ để nghe cụ kể chuyện. Cụ kể chuyện xưa hay lắm, từ cổ tích hay mấy câu chuyện trong dân gian, truyện thời chiến mà đặc biệt nhất vẫn là chuyện về ma quỷ. Cụ kể chuyện cứ phải gọi là cuốn hết chỗ chê, nên dù có sợ thì chúng tôi vẫn cứ thích nghe đến tận khuya.
Trời lúc này ngả về Tây, tôi đi ngang chỗ gốc đa thì cô Tư bán hàng nước đang dọn đồ chuẩn bị về. Trước khi đi, cô không quên thắp nén nhang vào cái miếu dưới gốc đa. Người làng tôi gọi đó là miếu Trinh nữ, lập cũng ngót nghét có mấy chục năm thôi, ngày nào cũng có người thắp hương và nghe bảo là thiêng lắm.
“Gớm! Có đứa con gái chết mà thờ cúng như thần như thánh ấy. Có mà quỷ thì có.” Có mấy người chạy chiếc xe sơn vằn vện, có cái động cơ mà mỗi lần đi ngang là cả xóm nghe lên tiếng. Tôi biết cái đám này, là cái đám du côn ở trên trấn gần đây. Chả hiểu sao, dạo này chúng nó hay chạy về xóm tôi, tiếng xe gầm rú làm ai cũng khó chịu, cách mấy trăm mét vẫn nghe. Họ ăn mặc thì kì dị, áo quần rách rưới, tóc thì đủ thứ màu xanh đỏ tím vàng, trong miệng lúc nào cũng có điếu thuốc đang cháy dở. Cầm đầu đám đó là thằng Trần Minh Huy, một kẻ mới ra tù gần đây.
Lúc tôi đi ngang qua, có mấy thằng lại giở tiếng trêu ghẹo nhưng tôi mặc kệ. Nghe được giọng nói oang oang cùng tiếng cười nhạo của họ, tôi đoán họ đang dè bỉu miếu thờ và cô gái được thờ. Chuyện cụ thể về cái miếu thì tôi chẳng biết, vì người lớn hình như chả ai muốn nhắc. Tôi chỉ biết đó là nơi thờ một cô gái vì giữ gìn trinh tiết với người chồng ở xa nên quyên sinh, được dân làng thờ cúng.
Lúc tôi tới thì gian nhà của cụ Thành đã lên đèn, ánh sáng mờ mờ từ cái đèn huỳnh quang hắt lên gương mặt già nua đầy vết chân chim của cụ. Trong nhà có độ chục đứa nữa ngồi. Tôi đem bịch bánh vô đưa cho cụ: “Dạ, mẹ con có cái này gửi cụ ăn lấy thảo.”
“Cái Phương con nhà thằng Vũ đấy à? Cảm ơn con nhiều nhá.” Cụ cầm bịch bánh rồi tiện tay để nó lên cái bàn gần đó. Tôi ngồi xuống chỗ trống cạnh cụ, còn cụ thì ngồi trên cái võng, mắt nhìn đám trẻ đang mong chờ rồi cười: “Thế nay mấy đứa muốn nghe cái gì, ông kể.”
“Gần tháng bảy âm lịch rồi, hay mình kể chuyện ma đi ông. Kẻo… kẻo sang tháng tụi con không dám nghe.” Có đứa lên tiếng, lập tức có vài đứa phụ hoạ đòi nghe chuyện ma luôn. Có đứa thì cười mà trêu: “Nghe chuyện ma nhưng lại sợ ma, đồ nhát gan!”
“Lại còn kiêng cử tháng thiêng nữa chứ.”
“Thế truyện ma nhớ?” Cụ Thành hỏi. Rồi cụ phe phẩy cái quạt mo trong tay, như một thói quen của cụ thôi chứ cái quạt máy cũ vẫn đang quay đều. “Kể truyện này kia nhiều rồi, thế mấy đứa có dám nghe chuyện có thật ở ngay làng mình không?”
“Ngay làng mình cũng có ạ?”
“Ừ, mà nghe rồi thì có dám về nhà không?” Cụ vừa cười vừa hỏi.
“Sao lại không ạ! Con không sợ gì hết nhá!” Có vài đứa con trai bật cười khanh khách. Mấy đứa con gái hơi nhát hơn, nhưng bị đám trai chọc thì cũng gật đầu luôn.
“Chuyện thế nào vậy cụ?” Tôi hỏi. Thú thật thì có hơi ghê ghê, đứa con gái mười sáu tuổi đầu là tôi đây cũng có chút sợ. Truyện ma bình thường đã u ám, mà truyện ma có thật, còn ngay bên cạnh thì nó ghê hơn gấp mấy lần.
“Mấy đứa có biết miếu Trinh nữ ở gốc đa làng không?” Cụ hỏi. Tụi tôi liền nhao nhao trả lời: “Dạ có, có biết chứ cụ.”
“Thế có biết vì sao người ta thờ cô ấy không?”
“Dạ không biết.”
“Ông bà cha mẹ con không ai chịu kể hết.”
“Thì ai mà dám kể.” Cụ cười. “Để hôm nay ông khai sáng cho tụi bây. Miếu đó có hồi mới thống nhất đất nước được một hai năm, tức là cách đây độ tầm ba mươi năm ấy. Khi đó ông mới hơn ba mươi, là một trong những người chứng kiến cái vụ ấy.”
Cụ ngưng một lúc, nhấp ngụm trà rồi lại nói: “Người ta gọi là miếu Trinh nữ là có hai lí do. Một là vì cái trinh tiết của cô gái được thờ, hai là bởi, cô gái đó tên Trinh.”